Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại chảo chống dính có thương hiệu của các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài (Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan…). Các loại này có kích thước, giá cả khác nhau. Một chiếc chảo chống dính có giá từ 70.000 đồng lên đến cả triệu đồng tùy kích thước, chất liệu, thương hiệu.
Cách lựa chọn chảo chống dính
Theo các nhân viên tư vấn của Tập đoàn Sunhouse, chủ sở hữu các thương hiệu đồ gia dụng, thiết bị nhà bếp, máy lọc nước, bóng đèn thì chất liệu chảo là yếu tố quan trọng đầu tiên cần phải lưu ý khi chọn mua chảo không dính. Theo đó, chảo chống dính loại tốt được làm từ nguyên liệu nhôm nguyên chất, quá trình sản xuất phải được kiểm tra, kiểm nghiệm nghiêm ngặt.
Lớp sơn chống dính là yếu tố quan trọng tiếp theo. Chảo tốt sẽ sử dụng sơn chống dính có thương hiệu nổi tiếng và uy tín, an toàn, ví dụ như loại sơn chống dính Whitford hoặc sơn Teflon. Lớp tráng phủ chống dính, lớp sơn chống dính này phải nhẵn bóng, sờ tay vào cảm nhận được độ mịn màng.
Nếu quy trình sản xuất đảm bảo an toàn, chảo sẽ được vệ sinh sạch trước khi phủ chất chống dính để giúp chảo có tuổi thọ cao, bền, mịn, trơn và chống dính tốt. Thêm nữa, chảo tốt là chảo hoàn toàn không sử dụng PFOA – một chất xúc tác có hại cho sức khỏe người tiêu dùng, và thân thiện với môi trường.
Phần đáy chảo, nếu người tiêu dùng muốn sử dụng cho bếp từ nên chọn loại chảo có độ kết dính giữa nhôm và phần đáy chảo ghép inox có tính từ. Tuy nhiên để làm được việc đó, nhà sản xuất phải đầu tư thiết bị theo công nghệ ép thủy lực 1.000 tấn mới giúp chảo có sự kết dính bền chặt.
Nên chọn loại chảo có tay cầm chắc chắn, sử dụng loại nhựa đạt tiêu chuẩn chống cháy. Hiện nay, có một số loại chảo có cán chảo sử dụng nhựa Baketlit, loại này có sức chịu nhiệt tốt, hạn chế tối đa những tai nạn về bỏng cho người nấu nướng do tiếp xúc với hơi nóng.
Cũng nên chọn đáy chảo có các rãnh hoa văn để giúp chảo không trơn trượt trên bếp khi nấu nướng, tránh nguy cơ đỗ hoặc rơi chảo. Phần thành chảo cần có độ cao để hạn chế dầu mỡ văng, bắn trong quá trình nấu nướng. Mép chảo đầy cũng sẽ giúp hạn chế quá trình móp méo từ tác động bên ngoài.
Lưu ý, khi mua chảo người tiêu dùng nên chọn loại chảo có bề mặt đầy từ 2,2 mm, cầm chảo lên xem chảo có chắc chắn không, để ý phần đinh vít giữa tay cầm và phần lòng chảo phải được chắc chắn. Thông thường, chảo được ghép bằng ba đinh tán (3 ri-vet) sẽ chắn chắn và bền hơn loại có hai đinh tán (2 ri-vet).
Đối với loại chảo chống dính siêu bền làm bằng đá hoa cương, nếu sản xuất đúng tiêu chuẩn, an toàn thì phải dựa trên công nghệ cảm ứng nhiệt. Lớp hợp kim nhôm bên trong lòng chảo được phủ một lớp mỏng đá hoa cương có tính kháng trầy xước và kháng dính cao.
Loại chảo này không dùng polymer polytetrafluoroethylene (PTFE) để phủ bề mặt chảo và không chứa thành phần nhũ hóa gây ung thư là perfluorooctanoat (PFOA) nên được cho là an toàn. Loại chảo chống dính mà chỉ sử dụng trong thời gian rất ngắn là bị bong tróc thường được bao phủ bằng polymer PTFE.
Chảo siêu bền sử dụng nhôm đúc nguyên chất từ một khối nhôm, giúp chảo không bị móp méo, có độ dày tốt và cân bằng với bề mặt chảo.
Chất lượng chảo chống dính phụ thuộc vào quy trình sản xuất và chất lượng chất sơn chống dính, người tiêu dùng nên sử dụng các loại chảo của các nhà sản xuất có uy tín, có tên tuổi trên thị trường.
Các nhân viên tư vấn cũng lưu ý người tiêu dùng nên tùy theo mục đích sử dụng và công năng của chảo mà chọn loại chảo cho phù hợp. Ví dụ, muốn chiên trứng, thịt nhanh thì dùng loại chảo thường; chiên thịt, cá chậm thì dùng chảo đúc để đảm bảo giữ và tỏa nhiệt đều. Chảo sâu lòng dùng để xào và chiên các loại thực phẩm cần nhiều dầu ăn.
Nếu chỉ chiên, xào với lượng thực phẩm ít thì chọn loại chảo nhỏ để có thể rút ngắn thời gian nấu nướng, đỡ tốn điện/gas. Chiên, xào cho gia đình ít người thì chọn loại chảo cỡ trung bình và nếu chiên, xào nhiều thì chọn loại lớn…
Cách sử dụng và bảo quản chảo chống dính
Theo nhân viên tư vấn của Công ty Happy Cook, đơn vị sản xuất và xuất khẩu dụng cụ nấu bếp, khi mua chảo về người tiêu dùng nên tháo tem nhãn, rửa sạch bằng nước rửa chén và dùng khăn mềm thấm nước ấm lau nhẹ trên bề mặt chảo. Không để chảo ở chỗ ẩm ướt quá lâu vì sẽ dễ làm chảo bị mốc.
Theo thói quen nấu nướng, người tiêu dùng thường để chảo nóng rồi mới cho dầu ăn vào, nhưng với chảo chống dính thì không nên làm thế. Không để chảo nóng trên bếp khi chưa có dầu bên trong, bởi lớp sơn tĩnh điện bên ngoài sẽ giúp chảo chống dính nhanh nóng hơn các chảo bình thường, nếu rót dầu hoặc chất lỏng khác vào đột ngột sẽ làm lớp sơn chống dính dễ bong tróc, giảm tuổi thọ của chảo.
Nhiệt độ trong quá trình nấu nướng nên để ở mức 2600C trở xuống. Tuy nhiên, rất khó để người tiêu dùng biết được chính xác nhiệt độ lúc nấu; do đó, có thể để lửa cháy trong phạm vi đáy chảo, nếu lửa cao đến thành chảo dễ làm hư chảo và làm cho chất chống dính trong chảo bị phân hủy, gây độc hại.
Trong quá trình nấu nướng không nên đổ trực tiếp mắm, muối vào lớp sơn chống dính. Không nên để muối, cặn thức ăn bám vào chảo quá lâu. Chỉ dùng muỗng bằng nhựa hoặc gỗ để xào, nấu các món trong chảo. Nếu dùng đồ nhựa và gỗ thì khi dụng cụ bị cong hay xước phải thay ngay vì nó dễ tác động, làm bong tróc lớp sơn chống dính.
Khi vệ sinh chảo, nên dùng các dụng cụ có bề mặt mềm để lau chùi, tránh dùng vật thô ráp, cứng làm trầy bề mặt chảo. Nên dùng loại nước rửa chén có nồng độ tẩy rửa vừa phải, không quá cao. Khi chảo đang nóng không được bỏ vào nước ngâm hoặc rửa ngay. Đặc biệt, khi chảo đã bong chất chống dính, nên thay chảo mới để thực phẩm không bị bén chảo khi sử dụng.